Tin tức thị trường | 19/02/2021

Bình Thuận đón cơ hội bứt phá mới

Bình Thuận đã trở thành “thiên đường nghỉ dưỡng” mới, với sự hội tụ của hàng loạt thương hiệu lớn, Bình Thuận đứng trước cơ hội bứt phá mới, khi tuyến cao tốc Bắc – Nam đi qua.

Từ bất lợi, “nắng, gió, cát trắng” của Bình Thuận đã bất ngờ chuyển thành lợi thế phát triển kinh tế

Quá trình “đảo phách” tư duy

Bình Thuận được biết đến là địa phương nổi tiếng với nắng, gió và cát trắng. Những đặc sản “khô khốc” này trong suốt nhiều thập kỷ đã kìm hãm và khiến Bình Thuận không thể phát triển.

Chuyên gia kinh tế, PGS-TS. Trần Đình Thiên nhận định, trong mô thức và tư duy phát triển cũ, các yếu tố nói trên được xem là điểm “bất lợi” trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trong thời đại hiện nay, mô thức tư duy kinh tế mới đã thay đổi, những “nắng, gió, cát trắng” từ bất lợi đã bất ngờ “đảo phách”, chuyển thành lợi thế cho phát triển kinh tế, đặc biệt với các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, du lịch nghỉ dưỡng – sân golf.

Nhận định trên của PGS-TS. Trần Đình Thiên là hoàn toàn chính xác. Vị chuyên gia kinh tế này đã từng nhiều lần nhắc lại vấn đề khi nhấn mạnh cơ hội phát triển của các địa phương Quảng Bình, Quảng Trị, Ninh Thuận, đặc biệt là Bình Thuận – mảnh đất được đánh giá là “trung tâm resort”.

Cũng như đa số các địa phương nói trên, Bình Thuận có lợi thế về quỹ đất rộng lớn, sở hữu đường bờ biển dài với nhiều bãi tắm đẹp, những đồi cát trắng, cát vàng óng ánh, cảnh quan sông núi hoang sơ, khí hậu quanh năm trong lành, ổn định. Bình Thuận còn có một lợi thế cực lớn khác là vị trí tiếp giáp Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nên sẽ được thừa hưởng những điều kiện phát triển kinh tế không nhỏ từ khu vực này.

Ông Nguyễn Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, để tiếp tục tận dụng và phát huy thế mạnh, tỉnh đã và đang tiếp tục tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án thuộc 3 lĩnh vực chủ đạo mà địa phương có thế mạnh, gồm công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và du lịch. Trong đó, đối với lĩnh vực du lịch, tỉnh Bình Thuận tập trung kêu gọi các dự án du lịch cao cấp, các khu vui chơi giải trí cao cấp, phát triển thương hiệu du lịch “Hàm Tiến – Mũi Né” – điểm đến ưa chuộng của nhiều du khách quốc tế.

Cũng theo ông Phong, Bình Thuận thu hút các nhà đầu tư chiến lược có tầm cỡ để phát triển tỉnh thành một điểm đến hấp dẫn, tạo ra các địa điểm vui chơi, giải trí phục vụ ngành du lịch để du khách đến tỉnh có cơ sở tăng thời gian lưu trú và tăng chi tiêu. Theo đó, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược là có tiềm lực tài chính mạnh, có khả năng đầu tư dự án mang tính đột phá.

Với định hướng đó, Bình Thuận đã và đang trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư lớn như Vingroup, Novaland, Apec Group, FLC, Hưng Lộc Phát, Rạng Đông… Trong đó, khu vực Mũi Né – Phan Thiết đang là “tâm điểm” với những dự án nghỉ dưỡng lớn được xây dựng tại đây như Ocean Dunes, APEC Mandala Wyndham Mũi Né, Mũi Né Summerland Resort… Đặc biệt, ở đây có Tổ hợp dự án APEC Mandala Wyndham Mũi Né của tập đoàn Apec

Tổ hợp dự án APEC Mandala Wyndham Mũi Né

Thời cơ mới, vận hội mới

UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, nhằm tiếp tục thu hút các “sếu đầu đàn về làm tổ”, tỉnh Bình Thuận đang tận dụng các nguồn lực nhằm ưu tiên đầu tư một số dự án hạ tầng giao thông trọng điểm mang tính kết nối. Trong đó, điểm nhấn đáng chú ý là tuyến cao tốc Bắc – Nam đi qua địa bàn tỉnh (Phan Thiết – Dầu Giây, Phan Thiết – Vĩnh Hảo) và Dự án Nâng cấp, mở rộng sân bay Phan Thiết.

Đối với Dự án Nâng cấp, mở rộng sân bay Phan Thiết, theo kế hoạch, sân bay này sẽ được nâng cấp quy mô từ cấp 4C lên cấp 4E với công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm, kéo dài đường cất hạ cánh từ 2.400 m lên 3.050 m. Với điều chỉnh mới, sân bay Phan Thiết sẽ có khả năng tiếp đón các loại máy bay đời mới như A350-900, A321, B737… và các loại máy bay lớn thuộc nhóm E, góp phần củng cố và cải thiện quy hoạch hạ tầng giao thông phục vụ phát triển du lịch Bình Thuận.

Với tuyến cao tốc đi qua tỉnh Bình Thuận, trong tháng 11/2020, Bộ Giao thông – Vận tải đã chính thức khởi công tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, Vĩnh Hảo – Phan Thiết. Trong đó, tổng chiều dài tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây là 99 km, chạy ngang qua một phần địa phận 2 tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai. Về quy mô, tuyến cao tốc có tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng này được thiết kế với vận tốc 120 km/giờ, có 6 làn xe khi thi công hoàn chỉnh. Dự án dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác cuối năm 2022.

Ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải cho biết, tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết điểm nghẽn trong hệ thống giao thông; từng bước hoàn chỉnh mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, góp phần phục hồi, thúc đẩy thu hút đầu tư và tăng trưởng kinh tế của 2 địa phương Đồng Nai và Bình Thuận; góp phần khai thác tối đa tiềm năng và thế mạnh du lịch của 2 địa phương này.

Theo nhận định của một chuyên gia, hiện nay, thị hiếu du lịch của khách nội địa đã thay đổi rất nhiều. Thay vì đi du lịch nước ngoài, nhiều du khách chuyển sang đi du lịch gần hơn, di chuyển bằng các phương tiện cá nhân như ô tô du lịch, lựa chọn các điểm lưu trú có tính cá nhân như second home (ngôi nhà thứ 2), homestay, villa du lịch… Do vậy, vai trò của hạ tầng đường bộ, trong đó có hệ thống cao tốc, là rất quan trọng.

“Việc đầu tư tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết sẽ rút ngắn thời gian di chuyển bằng đường bộ từ TP.HCM đến Phan Thiết chỉ còn 1 giờ 40 phút. Đây sẽ là cơ hội để bất động sản nghỉ dưỡng Phan Thiết có thể bứt phá”, chuyên gia này nhận định.

(Trích nguồn: laodong.vn)

TIN TỨC KHÁC

Xem thêm